Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Gặt hái gì quanh diễn văn của Tổng thống Obama?

Diễn văn nhận chức Tổng thống của ngài Obama diễn ra vào ngày 20/01/2009 hẳn phải là một trong vài sự kiện gây ấn tượng hàng đầu thế giới. Không ấn tượng được sao, lần đầu tiên có một người da màu gốc Phi lại có thể leo lên “ngai da” một vị trí cao nhất ở chính cái nôi mới đó còn là một trong những vùng đất khét tiếng về nạn phân biệt màu da - sắc tộc, sự di hưởng của một bến cảng lục địa cấp đồ sộ nhất, những con tàu chở nô lệ sang buôn bán… Đó mới chỉ là tương quan nội quốc, còn ở tầm quốc tế nước Mỹ lâu nay vẫn nổi tiếng là một “sen đầm” cỡ bự: giàu có nhất, hùng mạnh nhất, hiện đại nhất… vậy thì làm sao bài diễn văn của một con người da màu thành đạt nhất trong lịch sử chính trị lại không trở thành một sự kiện ấn tượng có tầm vóc lớn cơ chứ?!
Đi đâu, ngồi đâu, đặc biệt là giới trí thức, giới sinh viên, những người có thể cập nhật thông tin cấp tốc qua mạng, đều nghe những câu đại loại như “Anh đã đọc diễn văn nhận chức của Tổng thống Obama chưa”? “Ghê quá”!, “Hay quá”!, “Cảm động quá”!...

Nhưng hãy suy tư nghiêm túc và cụ thể ngoài vài thán từ đó, chúng ta đã gặt hái được gì từ những ý tưởng có nội dung. Hay quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là “Hay quá”!, “Ghê quá”!

Chẳng hạn, trong âm nhạc có hai từ chí cốt: một là giai điệu - đó là nội dung, không có giai điệu không thành âm nhạc, hai là hòa thanh - không có hòa thanh âm nhạc không thể nào phong phú. Còn cái thứ ba người ta thường nói đến đó là sắc thái (nuance), như đều đều, nhanh vui hoặc đượm buồn… Đó là sắc thái mang tính tâm lý của bản nhạc, mà không phải nội dung cũng như tài năng đích thực nằm trong bản nhạc.

Vậy thì, soi vào đó, chúng ta có thể nghĩ: nếu khi đọc và nghe một văn bản quan trọng, mà chúng ta không đếm ra được nội dung cũng là “giai điệu và hòa thanh” của nó thì chúng ta chỉ có thể gặt hái vài thán từ tâm lý thôi. Mà trạng thái tâm lý còn xa mới là nội dung trí tuệ.
Cụ thể, vài lần tôi ngồi lên những nhà trí thức, văn nghệ sĩ, nhân nghe họ hỏi đã đọc diễn văn của Obama chưa. Tôi liều đưa vấn đề ra bàn với mọi người: “Nào, theo các vị và từng vị một, bài diễn văn đó có điểm gì hay nhất, đặc sắc nhất, hoặc không giống ai nhất”?

Có vị nói: “Nếu điều tôi thích không giống anh thì sao? Vậy là tôi không đúng à”?

Tôi trả lời: “Không! Mỗi chúng ta đều có quyền đưa ý kiến riêng của mình. Chúng ta không đi tìm đúng hay sai, mà chúng ta chỉ đưa ra ý kiến về sự gặt hái của mình”.

Thế rồi mọi người đều nhìn nhau, im lặng, hoặc đưa ra ý kiến ậm ừ nước đôi nào đó, có vị còn nói tôi chưa đọc diễn văn đó. Cuối cùng tôi xin đưa ra ý kiến riêng của mình.

- Thứ nhất, có một điều rất khác lạ và rất nguyên lý rằng, Obama nói: “Các công cụ mà chúng ta dùng để đối phó có thể là mới mẻ. Nhưng các giá trị dẫn đến thành công của chúng ta - sự trung thực và chăm chỉ, dũng cảm và công bằng, khoan dung và tò mò, trung thành và lòng yêu nước, những điều này là cũ”.

Quay về phía các văn nghệ sĩ, đặc biệt là mấy anh nhà thơ luôn mồm nói: “Viết cái gì không quan trọng bằng viết thế nào”! Viết thế nào, theo họ là phải luôn luôn thể hiện cách thức mới lạ hơn người thì sẽ thành công, tôi nói: như vậy chúng ta đã có thể thanh toán một cách nguyên lý rằng: dù anh có viết thế nào - mới cách nào nhưng cũng chỉ chuyển tải nội dung cũ muôn đời của loài người như Tự do - Bình đẳng - Bác ái mà thôi. Trái lại, nếu trong đầu anh không chứa những nội dung đó, thì có cậy cục làm mới đến đâu cũng chỉ là sáo rỗng.

- Thứ hai, ngay đầu bản diễn văn, Tổng thống Obama đọc: “Nước Mỹ vượt qua khó khăn không chỉ đơn giản nhờ vào kỹ năng hay tầm nhìn của những người lãnh đạo, mà bởi chúng ta, nhân dân Mỹ đã có niềm tin vào lý tưởng của cha ông, theo đúng tinh thần của các văn bản lập quốc của chúng ta”.

Tôi lý giải điều quan trọng ở đây là “lý tưởng theo tinh thần của các văn bản lập quốc”. Điều đó, Tổng thống Obama muốn nói: nước Mỹ hùng mạnh là bởi quốc gia của họ đã lập nên, hướng tới và theo đuổi những giá trị Lập Hiến. Và chính tinh thần Hiến pháp là cái rường cột đã giúp nước Mỹ phát triển.

Câu chuyện tạm dừng lại, nhìn những khuôn mặt khá đặc trưng thụ động của mọi người, tôi nhìn rõ thói quen sinh hoạt trí tuệ của họ kiểu “Thứ nhất đồng ý, thứ nhì lặng im”, tôi bèn góp ý thẳng thắn mà không sợ họ tự ái.

Các anh thấy chưa, các anh cũng là một lớp trí thức, những VIP của nước nhà, nhưng hình như các anh rất thụ động, không có thói quen nhận xét, tìm tòi, phán định mỗi khi tiếp xúc văn bản. Một bài diễn văn của Obama cũng chẳng nhiều nhặn gì mà các anh còn không chỉ ra chỗ nguyên lý cũng như khác lạ của nó, thì khi đọc cả cuốn sách các anh sẽ thâu hái điều gì?

Mọi người im lặng, chẳng ai tự ái cả, vì dường như thừa nhận đó là thói quen cố hữu rồi.

Tôi tường thuật kiểu sinh hoạt trí tuệ này, và nếu bạn muốn thử, bạn hãy ngồi giữa một nhóm người nào đó, đặt lại câu hỏi giống như tôi, có thể cái khung cảnh “ghê lắm - không quan điểm - không nội dung” lại xuất hiện? không có sự tập thành nào mà không phải rèn luyện thói quen. Mong rằng phán xét phải trở thành thói quen của đông đảo trí thức chúng ta. Nếu không như vậy học và đọc cũng chỉ là thứ phù phiếm.

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/qtdn/blog/show.dml/3120719

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến