Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Lý thuyết kinh tế mới?


Originally posted by name='economist' date='Jul 17 2007, 10:27 PM' post='23612':


Hiện nay nhiều nhà khoa học kinh tế nước ta cho rằng cần có một lý thuyết kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta. Nhiều chuyên gia kinh tế có hạng của thế giới cũng khuyên nước ta không nên áp dụng một cách máy móc mô hình kinh tế hay lý thuyết kinh tế của các nước khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần thiết phải xây dựng nên một lý thuyết kinh tế chưa có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.



Chào tất cả mọi người. Tôi là một thành viên mới của Diễn đàn. Tôi vừa có cơ hội được đọc topic này, tôi cảm thấy rất thú vị và khâm phục sự hiểu biết của các thành viên trong Diễn đàn. Tôi rất muốn tham gia thảo luận cùng mọi người.

Tôi muốn đưa ra một câu hỏi nhằm lật lại vấn đề: "Một lý thuyết kinh tế mới mà chưa có ở quốc gia nào" được hiểu cặn kẽ như thế nào?
Theo tôi hiểu thì một lý thuyết kinh tế nhằm tìm kiếm, giải thích và vận dụng các quy luật kinh tế khách quan vào trong đời sống kinh tế xã hội nhằm nâng cao phúc lợi cho con người. Các quy luật kinh tế là hoàn toàn khách quan, nó vận động hàng ngày trong nền kinh tế: quy kuật giá trị, quy luật cung-cầu, quy luật năng suất cận biên giảm dần, .... Các quy luật này bị chi phối bởi yếu tố lịch sử. Nghĩa là mỗi quy luật kinh tế chỉ tồn tại và vận động trong những hoàn cẩnh lịch sử nhất định với các yếu tố bên ngoài nhất định. Điều này giải thích tại sao trong lịch sử chúng ta có nhiều học thuyết kinh tế đến vậy, chúng được sản sinh ra từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tế nhằm đi giải thích các hiện tượng kinh tế đang diễn ra (đi tìm và giải thích các quy luật kinh tế chi phối các hiện tượng kinh tê này), tìm ra con đường phát triển,...Những học thuyết tiêu biểu như: Học thuyết kinh tê trọng thương, Học thuyết kinh tế trọng nông, Học thuyêt kinh tế tư sản cổ điển (A. Smith, Ricardo,...), Học thuyết kinh tế của K. Marc, Học thuyết kinh tế tân cổ điển (L. Walras, A. Marshall,...), Học thuyết kinh tế của Keynes, Học thuyết kinh tế trọng cung, Học thuyết tiền tệ (M. Fridman),..... Nhưng tôi cần lưu ý mấy điểm sau:
+ Mỗi học thuyết kinh tế cũng chỉ phù hợp với những hoàn cảnh lịch sử nhất định (theo như giải thích trên).
+ Các học thuyết kinh tế sau đều có tính kế thừa và phát triển của học thuyết kinh tế trước. Đây cũng là đặc điểm quan trọng trong quá trình tích lũy tri thức của nhân loại nói chung.
+ Không có một lý thuyết kinh tế nào có khả năng áp dụng được cho tất cả mọi quốc gia. Do mỗi quốc gia có đặc điểm về tự nhiên, xã hội khác nhau. Mỗi quốc gia có xuất phát điểm kinh tế khác nhau, có cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng khác nhau. Xin được lưu ý lại là: mọi cơ sở lý luận đều phải được xuất phát từ thực tiễn và ngay cả việc áp dụng nó cũng vậy.
Vậy thì trong kho tàng các lý thuyết kinh tế mà nhân loại đã tích lũy được, chúng ta lại không thể lựa chọn được những mô hình phù hợp với hoàn cảnh của nước ta mà vận dụng một cách sáng tạo ư? Dẫu biết rằng không các một mô hình kinh tế nào là phù hợp hoàn toàn cho tất cả các nước, nhưng chẳng phải các mô hình kinh tế hay các lý thuyết chẳng phải phải là dựa trên nền tảng các quy luật kinh tế ư? Mà các quy luật kinh tế thì lại có thể vận động trong nhiều nền kinh tế với những điều kiện bên ngoài tương tự. Chỉ có điều chúng ta có sự lựa chọn phù hợp và không nên rập khuôn một cách máy móc mà phải sáng tạo trong vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước, theo các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Theo quan điểm của tôi cho rằng, chúng ta không nên quá khắt khe trong việc phải đặt ra mục tiêu: nghĩ ra một lý thuyết hoàn toàn mới làm gì cho "hoành tráng". Chúng ta hãy cất công nghiên cứu cho kỹ hệ thống lý luận kinh tế mà nhân loại đã sản sinh ra trong lịch sử phát triển. Và lựa chọn và vận dụng sáng tạo những mô hình phù hợp. Quá trình vận dụng sáng tạo đó, thực tế đã là quá trình phát triển lý thuyết mới rồi mà. Thực tế đã có nhiều quốc gia thành công như vậy.
Cho nên như bạn Economist có nêu: "Hiện nay nhiều nhà khoa học kinh tế nước ta cho rằng cần có một lý thuyết kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta. Nhiều chuyên gia kinh tế có hạng của thế giới cũng khuyên nước ta không nên áp dụng một cách máy móc mô hình kinh tế hay lý thuyết kinh tế của các nước khác trên thế giới" chẳng phải sẽ phù hợp với những gì tôi đang nói hơn là câu:"Điều đó có nghĩa là chúng ta cần thiết phải xây dựng nên một lý thuyết kinh tế chưa có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới" hay sao?
Có thể cùng một lý thuyết kinh tế nhưng có thể vận dụng dược ở nhiều quốc gia nhưng sự vận dụng lại không dám chắc là giống nhau ở mọi quốc gia, và tất cả mấy quốc gia đó đều có thể sẽ thành công. Cho nên câu nói: "Điều đó có nghĩa là chúng ta cần thiết phải xây dựng nên một lý thuyết kinh tế chưa có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới" được hiểu là "chưa có quốc gia nào nghĩ ra" hay "chưa có bất cứ quốc gia nào áp dụng" lý thuyết đó? Cả hai cách hiểu đều cần phải xem xét lại.
Tôi không hoàn toàn phản đối việc hình thành một lý thuyết kinh tế mới. Tôi chỉ phản đối quan điểm cho rằng chúng ta chỉ có thể phát triển được khi mà chúng ta tự nghĩ ra một lý thuyết mới. "Cái mới" ở đây, như tôi đã nói bên trên, cũng cần được hiểu rộng ra. Một lý thuyết kinh tế tựa hồ như một công nghệ vậy, nếu chúng ta chưa có điều kiện thì hãy nhập khẩu những công nghệ của nước ngoài có chọn lọc, và vận hành ở Việt Nam. Và kết hợp vào đó là R&D ra những công nghệ mới phù hợp với khả năng cho phép về điều kiện nghiên cứu. Người ta nói quá trình phát triển công nghệ bây giờ khác rồi:
Trước đây, Nghiên cứu cơ bản -------> Triển khai --------> Ứng dụng.
Bây giờ, Nhập khẩu công nghệ -------> Ứng dụng --------> Khoa học cơ bản.
Quay trở lại với tình hình thực tế của Việt Nam, nếu như ai chịu khó quan sát và để ý các số liệu thống kê so sánh tình hình kinh tế của nước ta với các nước trong khu vực Đông Nam Á, so với 4 con rồng của châu Á, và với các nước công nhiệp phát triển thì sẽ thấy chúng ta đang đứng ở đâu. Chúng ta vẫn chỉ là một nước đang phát triển nghèo. Đã là một quốc gia "đang phát triển" rùi, lại là một nước "đang phát triển nghèo" nữa chứ. Đã có người đã nói, đây đúng là "một nỗi nhục quốc thể", nhận định đó có phần đúng nếu chúng ta so sánh thực trạng hiện nay của nền kinh tế với lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của một dân tộc anh hùng. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng mà nói thì xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, cần phải có thời gian thì mới thoát ra được cái nghèo. Để có được nhận định chính xác và khách quan thì chúng ta cần nhìn từ cả hai khía cạnh: một là, so sánh nước ta với các nước khác (so sánh theo không gian); mặt khác, chúng ta cần so sánh chúng ta hiện nay với chúng ta của trước đây (so sánh theo thời gian). Thành tựu tăng trưởng của đất nước từ khi tăng trưởng có thể đánh giá là khả quan, nhưng cần phải có thời gian, "anh em ta" cần phải có trách nhiệm đóng góp sức mình vào công cuộc này để có thể không những duy tri được tốc độ này mà còn thúc đẩy nó nhanh hơn. Như vậy, nếu có sự đoàn kết đòng lòng của toàn thể người dân Việt Nam như những lần bị xâm lược thì tôi nghĩ chẳng mấy chốc mà chúng ta thoát nghèo. Xin nêu ví dụ về hiện tượng mà các nhà kinh tế vẫn thường gọi là "thần kỳ tăng trưởng" của 4 con rồng Châu Á- 4 nước công nghiệp mới của Châu Á (toàn thế giới có 11 nước NICs), họ cũng xuất phát điểm rất nghèo, nhưng phải mất tới 30-40 năm tăng trưởng nhanh, ổn định thì họ mới trở thành NICs được (mức tăng trưởng bình quân của họ trong thời gian dài nay còn cao hơn mức trung bình của Việt Nam trong 20 năm đổi mới). Ví dụ thứ hai là Trung Quốc, họ thực hiện cải cách mở cửa từ năm 1978-1979, và để đạt được những thành tựu dáng tự hào như ngày nay thì họ đã tăng trưởng nhanh, liên tục suốt từ thời gian đó đến nay (mức bình quân tăng trưởng còn cao hơn 4 nước NICs Châu Á). Họ cùng với Nhật Bản đã tạo lên "sự thần kỳ của Đông Á". Hy vọng rồi sẽ có ngày Việt Nam được vinh danh trong nhóm các nước này.
Đương nhiên để đạt được những mục trong dài hạn như tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường,... thì yêu cầu cấp bách cho dân tộc ta cần phải đồng lòng, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, vận dụng sáng tạo và phát triển các lý thuyết đó trong điều kiện đất nước ta. Và ngay bây giờ, sao chúng ta không bắt đầu ngay với việc nghiên cứu kho tàng trí tuệ của nhân loại? Biết đâu chúng ta có thể tìm ra rất nhiều thứ bổ ích cho bản thân và đất nước.
Hoan nghênh ý kiến đóng góp của mọi người.
Bài viết của tôi trên diễn đàn: http://diendankinhte.info

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/hoanghieuneu46/blog/show.dml/1603594

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến