Sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp thu các giải pháp phát triển du lịch của tỉnh thông qua khai thác hiệu quả mạng Internet.
Internet – tài nguyên quảng bá du lịch
Ông Can nói: Du lịch cần phối hợp từ nhiều ngành nhưng thực trạng mạnh ai nấy làm, sản phẩm du lịch nghèo nàn… là những lý do khiến cho du lịch Việt Nam trở nên kém hấp dẫn. |
Hướng đến ý nghĩa ứng dụng CNTT-TT vào quảng bá và tiếp thị du lịch, các diễn giả trình bày các tham luận như tình hình ứng dụng CNTT và viễn thông trong việc quảng bá và khai thác du lịch có hiệu quả; Chương trình xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp du lịch, phát triển du lịch trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu; Thực trạng và nhu cầu ứng dụng các giải pháp CNTT để đẩy mạnh quảng bá du lịch Bình Thuận…
Ông Lê Minh Tuấn, giám đốc sở TTTT Bình Thuận, cho biết: “Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống thông tin, điện thoại, ADSL, hệ thống viễn thông liên lạc vô tuyến phủ khắp các khu vực trọng điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận CNTT. Bình Thuận cũng đưa vào sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS góp phần phát triển du lịch“.
Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2009 là tăng 15% doanh thu du lịch và thu hút 2,2 triệu lượt khách (trong đó có 200.000 khách quốc tế) đến Bình Thuận. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà Nước, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến nguồn tài nguyên Internet, phát triển các kênh thông tin… để quảng bá góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, ông Tuấn nói.
Theo ông Phan Trung Can, phó giám đốc trung tâm Xúc Tiến Đầu Tư Thương Mại Du Lịch và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp tỉnh Bình Thuận, du lịch là một sản phẩm tổng hợp cho nên cần có sự đầu tư phối hợp từ nhiều ngành nhưng thực trạng mạnh ai nấy làm, sản phẩm nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng dịch vụ yếu, nguồn nhân lực thiếu chuyên nghiệp… sẽ là những lý do khiến cho du lịch trở nên kém hấp dẫn.
Hiện, du lịch Việt Nam đang có ưu thế, nhất về mức độ cạnh tranh giá (đứng thứ 11/133) và điều này tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho du khách. Môi trường phát triển du lịch rất thuận lợi (đường bờ biển dài, an ninh, trật tự, môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hoá đặc sắc…). Khách quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng thay đổi nhu cầu từ “nghỉ dưỡng” sang “trải nghiệm”, muốn tìm sự khác biệt, thích được sống như dân địa phương.
Tuy nhiên, trước khó khăn của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm trong năm tới. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh ngày càng cao giữa các quốc gia, các vùng, các địa phương và giữa các doanh nghiệp du lịch cũng gây khó cho các doanh nghiệp du lịch trong nước.
Quảng bá qua Internet còn yếu
Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, mỗi doanh nghiệp đều lo toan tìm hướng phát triển cho mình. Ai cũng mong muốn sản phẩm, dịch vụ của mình được nhiều người biết đến, bằng nhiều biện pháp trong đó sử dụng CNTT. Nhưng, ứng dụng CNTT đòi hỏi sự hiểu biết và có các biện pháp cụ thể sao cho hiệu quả.
Đa số doanh nghiệp ở Bình Thuận đều có trang web nhưng để có trang web hay, thu hút cập nhật thường xuyên thì rất khó. Rất ít doanh nghiệp thực hiện được điều đó do những hạn chế về kỹ thuật, trình độ nhân viên, tính chuyên môn…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, phó chủ tịch hiệp hội Du Lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 100% hệ thống các khu nghỉ dưỡng (resort) có hệ thống máy tính sử dụng kết nối ADSL và có khoảng 60 trang web có tên miền .vn quảng bá hình ảnh du lịch của Bình Thuận.
Hệ thống quảng bá doanh nghiệp hiện nay còn yếu, thông tin dàn trải ở nhiều ngành, nhiều công ty. Các sở ban ngành cũng có website thông tin du lịch nhưng chưa đủ mạnh để có thể thông tin đầy đủ về du lịch Việt Nam, thu hút người truy cập trên toàn cầu. Việc triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT vào quảng bá du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Hiện còn rất nhiều resort thiếu kết nối không dây (wifi), bất tiện cho du khách. Ngoài ra, chất lượng đường truyền nhiều khi cũng chưa tốt, nhất là ở các khu vực xa trung tâm.
Yếu tố quan trọng vẫn là nhận thức. Các doanh nghiệp du lịch chưa thật sự hiểu hết lợi ích từ các giải pháp CNTT. Đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên viên chuyên trách về CNTT còn thiếu và yếu, phần lớn phải dựa vào đội ngũ chuyên viên từ TP.HCM, rất bất tiện.
Mặt khác, người truy cập thường bị “ngộp” trong “rừng thông tin”, không biết thông tin nào là chính xác và đầy đủ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng khó khăn khi phải chọn những trang web tốt nhất để quảng bá doanh nghiệp mình. Tóm lại, có không ít các phương tiện quảng bá nhưng hiệu quả hay không thì chưa chắc, ông Sơn cho biết thêm.
Sắp tới, Hiệp Hội sẽ phối hợp sở TTTT quy hoạch và quản lý thông tin đưa trên các trang quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh, đồng thời sẽ thực hiện phủ sóng Internet không dây tới tất các khu du lịch trên địa bàn.
Tại hội thảo, đại diện trung tâm An Ninh Mạng Bkis giới thiệu văn phòng điện tử eOffice và gói giải pháp liên lạc cho ngành du lịch (SMS Business Solutions – SBS) cho phép tối ưu hoá việc kết nối điểm đến; Imark cũng giới thiệu giải pháp tiếp thị hiện đại cho ngành du lịch, với một số công cụ phổ biến như: email; website và web 2.0; blog; các hình thức quảng bá trên mạng cộng đồng…; công ty InterBrand Media Maketing Solution cũng giới thiệu giải pháp truyền thông, thiết lập hệ thống nhận diện thương hiệu qua Internet, nhằm giúp các công ty du lịch Bình Thuận ứng dụng CNTT hiệu quả… Buổi hội thảo còn là dịp để các doanh nghiệp trao đổi, hỏi đáp cách thức quảng bá, khai thác du lịch hiệu quả với CNTT…
Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2009 do Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp thứ 89/133, tăng 7 bậc so với năm 2008. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 17/25 nước. Các thông tin dự báo còn cho biết, Việt Nam sẽ lọt vào danh sách 10 điểm hấp dẫn nhất thế giới vào năm 2016 do an ninh tốt, chính trị ổn định. |
Hồng Vinh
Posted in PR Articles, PR Books & Traning
Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2009/05/26/internet-%e2%80%93-kenh-qu%e1%ba%a3ng-ba-du-l%e1%bb%8bch-hi%e1%bb%87u-qu%e1%ba%a3/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét