Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Trung Quoc va dong do-la My

Trung Quốc và đồng đô-la Mỹ

Mặc dù dạo gần đây Trung Quốc tỏ ý không hài lòng về vai trò của đồng đô-la trong ngoại thương và trong dự trữ quốc gia, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang mắc kẹt vì khoảng dự trữ bằng đô-la khổng lồ mà mọi động thái chuyển đổi vội vàng sẽ gây thiệt hại cho nước này trước hết. Vì thế họ đang sử dụng các biện pháp dài hạn, rất đáng lưu ý.

Tính chung, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hiện đang nắm giữ tổng cộng gần 10.000 tỷ đô-la dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là các tài sản tính bằng đô-la. Họ không khỏi lo ngại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ hiện đang theo đuổi chính sách mở rộng cung tiền nhằm hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng đang nguy cấp. Việc tung những lượng tiền khổng lồ như thế vào lưu thông trước sau gì cũng gây lạm phát, thậm chí lạm phát phi mã. Đồng đô-la mất giá bao nhiêu phần trăm thì tài sản dự trữ của họ bốc hơi bấy nhiêu phần trăm.

Một bài bình luận trên tờ Financial Times cho rằng lẽ ra một nước nợ nhiều như Mỹ có thể phải áp dụng các biện pháp giảm nợ như bán bớt tài sản nhưng Mỹ không chọn con đường đó – họ cứ thoải mái in tiền vay tài sản của thế giới về để chống đỡ khủng hoảng. Cách làm này về ngắn hạn có lợi cho Mỹ nhưng chẳng mấy chốc sẽ có tác động rất lớn lên uy tín đồng đô-la. Khi Mỹ in thêm tiền, tạo áp lực giảm giá đồng đô-la, ngân hàng trung ương các nước cũng phải làm theo để đồng tiền của họ khỏi lên giá, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa. Kết quả là lạm phát trong bối cảnh lãi suất gần bằng không. Như vậy, những người dành dụm bấy lâu chịu thiệt hại thay cho những kẻ đi vay bị  phá sản. Chẳng lạ gì các chính khách Trung Quốc lần lượt lên tiếng cho rằng đã đến lúc phải xây dựng một đồng tiền khác làm đồng tiền dự trữ quốc tế thay cho đô-la Mỹ.

Sau khi Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng nên sử dụng đơn vị tiền tệ của IMF (SDR) thay cho đô-la, nước này đã cam kết đóng góp 40 tỷ đô-la vào quỹ chung của IMF, dưới dạng mua trái phiếu định giá bằng SDR. Ngoài ra, từ nửa cuối năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước trên khắp thế giới, tổng trị giá lên đến 120 tỷ đô-la, với hàm ý đồng tiền thanh toán ngoại thương sẽ là nhân dân tệ chứ không phải đô-la Mỹ nữa. Hiện nay việc thương thảo như thế đang được tiến hành với các nước ASEAN.

Một hướng khác là thay vì dùng tiền kiếm được đổ vào mua trái phiếu chính phủ Mỹ như trước, hiện Trung Quốc đang săn lùng mua tài sản dựa vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, dẫn đầu là các tập đoàn khai khoáng và dầu mỏ. Trung Quốc cũng vừa ký một thỏa thuận với Nga trị giá 25 tỷ đô-la nhằm mua 15 triệu tấn dầu thô mỗi năm trong vòng 20 năm kể từ năm 2011. Đổi lại Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho các tập đoàn dầu khí Nga. Những hợp đồng tương tự cũng đã được ký hoặc sắp ký với nước khác như Brazil, Kazakhstan…

Rõ ràng Trung Quốc không thể chuyển 2.000 tỷ đô-la tiền dự trữ (trong đó chiếm phần lớn nhất là tài sản tính bằng đô-la Mỹ) thành ngoại tệ khác hay vàng được. Nếu làm thế đồng đô-la Mỹ sẽ mất giá với tốc độ nhanh chóng và tài sản của Trung Quốc cũng mất theo. Chính vì thế, các chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc với những tin tức liên tục xuất hiện trên báo chí là bước đi của nước này nhằm thoát khỏi “hấp lực” của đồng đô-la về lâu về dài. Lúc đó chưa ai biết được vai trò của đồng đô-la Mỹ sẽ như thế nào. 

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/05/trung-quoc-va-dong-do-la-my.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến