Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

Tuoi tre, bao chi va cong luan

Nói thêm: Bài này tôi viết vào năm 2000 và đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật thì phải. Nay đi tìm tài liệu về chuyện liệu Internet có đem lại sự độc lập trong suy nghĩ không, tình cờ đọc lại và thấy dường như Internet không làm được gì nhiều trong chuyện này. Internet có xu hướng đẩy những người có cùng suy nghĩ, có cùng quan điểm, có cùng định kiến lại với nhau thành những cụm “dân cư ảo”, ở đấy những dạng “stereotying” lại tràn ngập. Những ví dụ minh họa trong bài có lẽ không còn phù hợp nữa bởi chúng là chuyện thời sự của năm… 2000.  

Tuổi trẻ, báo chí và công luận

Vừa rồi tôi có dịp ngồi nghe các bạn thanh niên thay nhau lên thuyết trình về nhiều vấn đề của thế kỷ mới. Đây là một cuộc thi hùng biện bằng ngoại ngữ do Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM tổ chức. Tiếng Anh của các bạn thật tuyệt và khả năng nói chuyện trước công chúng của nhiều bạn thật xuất sắc.

Điều đáng ngạc nhiên là có khá nhiều bạn, cả học sinh phổ thông và sinh viên đại học đã áp dụng một lối suy nghĩ giản đơn, một lối suy nghĩ rập khuôn theo kiểu có sẵn lời giải cho mọi vấn đề của xã hội. Ví dụ, nói đến hôn nhân giữa các cô gái Việt Nam và người Đài Loan, các bạn nghĩ ngay đến những chuyện như chồng già, bệnh tật, què cụt, như mọi hôn nhân đều tan vỡ sau một thời gian ngắn. Nhiều bạn đã định sẵn những cặp tiền đề để từ đó đưa ra những nhận định mới – như năng lực người thầy hiện nay được đánh giá theo tỷ lệ học sinh lên lớp, theo điểm số của học sinh, như công ty quốc doanh đồng nghĩa với yếu kém, như chuyện các công ty nước ngoài trong liên doanh cố ý thua lỗ để xin chuyển thành 100% vốn của họ.

Nói đến IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), các bạn nói về sự áp đặt chính sách kinh tế lên nước đi vay; nói về WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), các bạn nhắc đến các cuộc biểu tình tại Seattle và sự lợi dụng của nước lớn đối với nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Lối suy nghĩ này cũng còn thấy rất rõ với các bạn thanh niên là khán giả lên đặt câu hỏi cho người thuyết trình.

Phần lớn những điều nói trên có thể là đúng, phần lớn suy nghĩ này có thể rất hợp thời và giúp các bạn khỏi nhọc công suy nghĩ mà vẫn tỏ ra thạo việc đời. Qua tìm hiểu, các bạn cho biết báo chí đã có tác động lớn nhất hình thành nên những cặp suy nghĩ rập khuôn như vậy. Vì chúng đa phần là đúng nên các bạn ít khi bận tâm xem lại vấn đề, thử coi vì sao lại như vậy, có phải chúng đúng trong mọi trường hợp không. Và điều nguy hiểm ở đây là mọi suy nghĩ và ứng xử của các bạn trong cuộc sống rất dễ dựa vào những khuôn mẫu định hình này để giúp các bạn, dù còn rất trẻ, đã trở thành bảo thủ trong suy nghĩ, đầy định kiến và sẵn sàng bị cuốn theo suy nghĩ chung.

Cũng khó lòng trách báo chí. Tin về các trường học tại Mỹ có gì đáng đưa trừ phi xảy ra thêm một vụ học sinh xả súng bắn giết bạn mình ngay trên sân trường. Và cứ thế, báo chí đã giúp định hình một lằn suy nghĩ, nói đến Mỹ và vấn đề học đường, các bạn sẽ dễ liên tưởng đến bạo lực và súng đạn.

Viết vê cái mới lúc nào cũng khó hơn viết theo khuôn mẫu. Chứng minh hay mở rộng lòng mình để nghe và trích những lời chứng minh rằng 75% các cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam và Đài Loan là thành công rất khó, khó nhiều lần hơn đưa thêm một tin về một cô gái bị ép duyên lấy ông già Đài Loan lụ khụ.

Viết về những mặt tốt của một giám đốc không những đòi hỏi người phóng viên phải có lòng dũng cảm để đi ngược lại suy nghĩ rập khuôn – giám đốc là bê bối, là có vấn đề mà còn để vượt thắng cái mặc cảm cho rằng người ta sẽ nghĩ mình có gì đó với ông giám đốc này, rằng mình đang viết thuê cho ai đấy.

Tuổi trẻ phải khác với những định kiến đầy rẫy trong xã hội. Tuổi trẻ phải biết chấp nhận cái mới, không dị ứng với cái khác thường và phải biết bình tĩnh trước những khác biệt trong suy  nghĩ. Con đường ăn theo suy nghĩ rất dễ, con đường tự mình chiêm nghiệm những vấn đề xã hội để tự mình rút ra những kết luận cho riêng mình mới khó. Nhưng chính quá trình này đã giúp xã hội không rơi vào chỗ tù đọng, giúp Copernicus đưa ra lý thuyết trái đất quay quanh mặt trời và ngày nay là khả năng đưa con người lên Sao Hỏa một ngày không xa.

Báo Tuổi Trẻ cũng vậy. Tạo ra những luồng suy nghĩ giả thử như : nhà giáo – nhà  nghèo; giám đốc – lừa đảo thì rất dễ và báo Tuổi Trẻ đã không ít lần rơi vào con đường dễ dãi này. Ngược lại viết những bài, cung cấp thông tin cho giới trẻ một cách đầy đủ để tự bản thân họ rút ra những kết luận cho chính họ mới khó. Dân chủ chính là tập cho người dân biết suy nghĩ phân biệt đúng sai không phải chỉ từ những kết luận có sẵn mà là từ những dữ kiện của cuộc sống với muôn ngàn biến thể của nó.

Toàn cầu hóa là tốt cho nền kinh tế? Toàn cầu hóa là có hại cho nền sản xuất còn non yếu của đất nước? Không ai dám đánh giá các bạn về suy nghĩ của mình nếu nó là suy nghĩ do các bạn tự rút ra dựa trên những sự kiện có thật, là sự chiêm nghiệm những kết luận của người đi trước với mọi sự hoài nghi lành mạnh mà tuổi trẻ cần phải có. Ngược lại, nếu đó chỉ là sự bắt chước rập khuôn như một dạng theo mốt thời trang thì tốt nhất bạn hãy khoan vội kết luận gì mặc dù đã có 99 người trước bạn nói như vậy. Và cũng đừng vội vàng nghe theo lời người viết bài này mà đi ngược lại những gì bấy lâu nay bạn thường xếp thành cụm nhân quả. Nếu thế, đấy cũng chỉ là theo một mốt mới hơn mà thôi.

 

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/05/tuoi-tre-bao-chi-va-cong-luan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến