Các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và HASTC hiện nay chủ yếu công bố các thông tin tài chính, hay tình hình hoạt động của mình thông qua các website của các công ty chứng khoán , hay của sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, và Tp Hồ Chí Minh. Chỉ một số ít công ty là công bố trên website của mình, còn lại đa số website của các công ty cập nhật quá chậm, nhiều website không thể truy cập được. Các công ty đã được niêm yết chính thức đã như vậy, còn các công ty ở sàn OTC thì việc công bố thông tin của công ty mình chắc chắn còn tệ hơn. Các thông tin về cổ phiếu OTC được biết đến nhiều nhất có lẽ là giá của cổ phiếu đó, còn tình hình hoạt động, hay các kế hoach của công ty đều không được biết đến, một ít được biết qua báo chí, còn lại có khi chỉ là tin đồn trên các diển đàn internet. Điều này chỉ có thể đem lại lợi ích cho một số ít kẻ tung tin đồn, bóp méo sự thật về tình hình hoạt động của công ty. Qua đó, ta có thể thấy được tình hình việc công bố thông tin doanh nghiệp trong phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay , cũng như chứng khoán OTC là rất yếu, và thiếu.
“Vấn đề của Việt Nam là hầu hết thông tin về tài chính và tiền tệ, và doanh nghiệp nhà nước nếu có đều bị độc quyền, không được công bố chính thức và cập nhật. Vì thông tin không được công bố, không được rà soát đánh giá khoa học và độc lập cho nên sự tin cậy của chúng, và giá trị của chúng nếu có cũng rất hạn chế. “ Đó là lời nhận xét trên báo Lao Động, và nó vẫn còn đúng cho tình hình hiện nay và có lẽ là thời gian sau này nữa.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cũng phải biết rằng có một số công ty kinh doanh không tốt, hoặc đang mắt phải một số vướng mắc nào đó về tài chính mà không tiện nói ra, buộc lòng họ phải bưng bít thông tin, hoặc tung các tin đồn nhằm đánh lạc hướng sự thật.
Tôi từng biết một công ty chuyên về xuất khẩu nông sản có tổng công ty ở Hà Nội. Sau một thời gian làm ăn thua lỗ, nợ nần hầu hết ở tất cả các ngân hàng, tiền trả lương cho nhân viên cũng rất khó khăn, chắc chắn sẽ phá sản trong nay mai. Nhưng ban giám đốc đã đề ra một giải pháp nhằm cứu vãn tình thế, đó là cổ phần hoá công ty. Một đoàn kiểm toán được mời về, tổ chức tiệc tùng , phong bì… tất cả đều mong đoàn kiểm toán đó sẽ nâng cao các giá trị tài sản của công ty đang có lên nhiều lần, mà chủ yếu là nhà xưởng, đất đai, chứ tiền mặt thì không còn nữa rồi. Tuy nhiên tin buồn là dù đã cố gắng định giá rất cao cho các loại tài sản, nhưng sau khi trừ đi các khoản nợ, thì công ty đó chỉ còn lại 1 tỷ đồng, không thể cổ phần hoá được. Đó chỉ là một trong rất nhiều công ty nhà nước làm ăn thua lỗ muốn cứu vãn tình thế của công ty mình. Nhưng không phải công ty nào cũng xui xẻo như công ty đó cả. Chúng ta hãy thử suy nghĩ nếu công ty đó được cổ phần hoá thì sao nhỉ? Vào đầu năm 2007, TTCK như một bong bóng phình to, cổ phiếu cũng tăng giá trị lên gấp vài lần, thì công ty đó cũng sẽ nằm trong số cổ phiếu lên giá theo. Như vậy công ty đó dù làm ăn thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn có giá cao, và họ lại tiếp tục có vốn để kinh doanh, hoặc là để ăn chia với nhau. Rồi ai sẽ gánh chịu cho những khoản lỗ tiếp theo của họ? Đó chính là các NĐT mua cổ phiếu sau cùng mà không được biết gì hết về tình hình kinh doanh của các công ty đó. Và tôi tin chắc chắn sẽ có không ít công ty như công ty trên đang niêm yết trên sàn chính thức, hay sàn OTC.
Ở đây, chúng ta cũng phải xét đến vai trò của các tổ chức kiểm toán. Liệu các tổ chức này có đảm bảo kiểm toán một cách chính xác hay không? Các nhân viên kiểm toán của họ có đảm bảo về mặt đạo đức, sự liêm khiết trong việc kiểm toán tình hình tài chính của các công ty hay không? Điều này có lẽ người ngoài cuộc không ai biết được, và cũng không ai dám tin tưởng.
Xem đầy đủ bài viết tại http://leeviewer.blogspot.com/2008/06/nhn-xt-v-vic-cng-b-thng-tin-ca-cc-cng.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét