Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Đọc quảng cáo trực tuyến - một phần tất yếu khi lướt web?

Website là môi trường mà ngành công nghiệp quảng cáo đang tìm cách khai thác triệt để hiệu quả của nó. Nhiều chuyên gia nhận định, với sức mạnh của công nghệ, thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng...

Chủ tịch Microsoft Bill Gates từng khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm một phương cách khác để đưa những thông tin quảng bá thương mại tới người tiêu dùng.

Lý do mà Bill Gates đưa ra là sẽ đến lúc không thể tận dụng sự kiên trì của người xem truyền hình để xen vào giữa các bộ phim vài đoạn quảng cáo. Mặc dù bản thân thừa nhận là chưa biết định dạng của các loại hình quảng cáo trong tương lai, Gates cũng khẳng định công nghệ sẽ làm thay đổi lĩnh vực này.

Lập luận của nhà tư duy kỷ nguyên điện tử khiến nhiều người liên tưởng tới loại hình quảng cáo trực tuyến. Dù mới xuất hiện, nhưng lợi thế về công nghệ hiện đại đã khiến việc truyền bá thông tin thương mại trên Internet ngày càng phổ biến với hình thức rất đa dạng. Có nhiều lý do để người ta lựa chọn quảng cáo trên mạng. Trước hết là ưu điểm không giới hạn về thời gian, địa lý và nhất là dung lượng. Internet là mạng toàn cầu, vì thế mà những gì nó chuyển tải sẽ đến mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới vào bất kỳ lúc nào. So với các phương tiện thông tin đại chúng khác như báo giấy, đài phát thanh, truyền hình... thì lượng thông tin quảng cáo trên mạng là vô biên. Trong khi truyền hình giới hạn 30 giây/clip quảng cáo, hoặc với báo giấy, nhiều nhất cũng chỉ chiếm chỗ được 1 trang với tần suất 1 lần xuất hiện/số thì website có thể "tặng" bạn không gian chứa đựng thông tin bất tận theo ý muốn.

Ìng Xuân Kiên, Giám đốc công ty tin học Trần Anh, nói với VnExpress: "Tôi chọn quảng cáo trên Internet vì độc giả có thể tìm hiểu bất kỳ thông tin gì về chúng tôi. Từ sản phẩm, dịch vụ đến quá trình phát triển công ty... một cách chi tiết nhất".

Quảng cáo trực tuyến có khả năng đưa thông tin đến với khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng. Theo ông Kiên, mặt hàng kinh doanh của Trần Anh là linh kiện máy tính nên việc đặt banner trên các website là phù hợp nhất. "Những thông tin muốn quảng bá của chúng tôi sẽ được online 24/24. Nếu ai quan tâm chỉ cần nhấn chuột. Trong trường hợp cần thay đổi, sửa chữa thông tin gì cũng rất đơn giản".

Không thể không nhắc đến một thế mạnh khác của quảng cáo trực tuyến là chi phí rẻ. Một doanh nghiệp dù có tiềm lực kinh tế mạnh cũng rất ít khi kéo dài chương trình quảng bá thương hiệu trên báo giấy hoặc truyền hình liên tục suốt một thời gian dài. Nhưng những hợp đồng quảng cáo trên mạng có thời hạn cả năm hoặc hơn thì không phải là hiếm. Các công ty Ford Vietnam, Toyota Vietnam hay Vietnam Airlines là những ví dụ điển hình. "Chúng tôi nhận thấy hiệu quả của việc quảng cáo trên mạng lớn gấp 5-7 lần so với những hình thức khác trong khi chi phí lại thấp hơn nhiều nên thường ký hợp đồng dài hạn", ông Trương Kim Phong, Trưởng phòng Maketing Ford Vietnam, nói.

Trên thế giới, sức mạnh trực tuyến đã khiến hình thức quảng cáo này phát triển với tốc độ chóng mặt và đem lại những khoản thu khổng lồ. Quảng cáo dạng CPM (Cost per thousand impressions) bao gồm Pop-up, Banner, Logo, Sponsorship... chiếm 43% doanh thu, hình thức Performance như Pay-per-click-through... khoảng 37%. Dạng kết hợp của cả 2 thể loại trên chiếm 20%. Riêng ở Mỹ, dự kiến doanh thu trong năm nay sẽ là 9,1 tỷ USD.

CPM là hình thức quảng cáo mà hiệu quả tính bằng số lượng người truy cập vào trang, khác với Performance là tính theo số lần click chuột của độc giả. Tuy nhiên, nhờ công nghệ, các nhà thiết kế có thể nghĩ ra nhiều "chiêu" để khiến độc giả phải "lướt" qua các thông tin quảng cáo. Chính vì lẽ đó mà không phải ai cũng thích những hình thức quảng cáo trên mạng, thậm chí còn phản đối gay gắt. "Tôi rất bực mình với những cái pop-up. Nó khiến tôi cảm thấy khó chịu và vướng víu mỗi khi truy cập Internet. Làm như thế là phản cảm", Thu Hương, một nhân viên văn phòng, tỏ ra bức xúc.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược. Thanh Tùng, một admin, bày tỏ: "Nhiều người không hứng thú với những thông tin quảng cáo trên mạng, nhưng họ không nhận thấy rằng chúng cũng góp phần làm sinh động và tăng tính hấp dẫn của các website".

Minh Thành, sinh viên ngành công nghệ thông tin, cũng đồng quan điểm: "Tôi thấy có nhiều cái banner rất đẹp và ngộ nghĩnh. Tôi chẳng phản đối quảng cáo gì cả vì nếu không thích xem tôi chỉ việc tắt nó đi. Còn khi cần thông tin gì, click chuột là có ngay".

Mặc dù vậy, lĩnh vực quảng cáo trên Internet tại VN vẫn chưa thực sự phát triển dù đã có những bước tiến dài. Dưới con mắt của một doanh nhân, ông Phong quả quyết: "Nguyên nhân khiến quảng cáo trực tuyến VN còn chưa 'bằng chị bằng em' là do chúng ta chưa phát triển thương mại điện tử. Khi giao thương qua mạng được thông suốt thì chắc chắn lĩnh vực này sẽ được nâng lên tầm tương xứng".

Ìng Lương Công Hiếu, Trưởng phòng quảng cáo và phát triển, công ty Truyền thông FPT, nhận định: "Ngành quảng cáo trực tuyến trong nước sẽ tiếp tục phát triển nhưng chưa thể bùng nổ hoặc nhanh chóng chiếm thị phần so với các loại hình truyền thông khác như báo giấy, truyền hình... Phổ biến nhất ở VN hiện nay vẫn là hình thức CPM".

Xem đầy đủ bài viết tại http://quangcaovietnam.blogspot.com/2008/11/c-qung-co-trc-tuyn-mt-phn-tt-yu-khi-lt.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến