Phát triển chất lượng
Chúng ta biết là nền kinh tế gia công là nền kinh tế thâm dụng lao động, lương trả chỉ đủ sống ở mức tằn tiện, và ngày càng khó hơn vì lạm phát, người công nhân gần như không có tương lai trong một nền kinh tế gia công như thế. Các cuộc đình công liên tiếp xảy ra và ngày càng nhiều là minh chứng cho điều này.
Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, cũng là dựa quanh, tận dụng chi tiêu rất lớn của nhà nước để xây dựng hạ tầng, và khai thác tài nguyên, tận dụng để lấy được quyền sử dụng đất. Trong thời gian qua, các DN này kiếm chác nguồn tài chính nước ngoài đổ vào do Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, trở thành những kẻ đầu cơ đất đai.
Nền kinh tế Việt Nam đã từ lâu không còn ở trong tình trạng quẫn bách, nên không có lý do gì phải cố chạy theo chỉ tiêu định lượng tăng GDP. Phát triển chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, không thể đánh đổi môi trường cho chỉ tiêu GDP cao. Thoát khỏi nền kinh tế gia công phải là mục tiêu. Và những mục tiêu này cũng là vì sự ổn định lâu dài của nền kinh tế.
Đã đến lúc chiến lược phát triển phải là vì năng suất, vì chất lượng và vì việc làm có lương đủ sống.
Làm gì? Nhà nước nên tự rút khỏi các hoạt động kinh doanh, tập trung vào nhiệm vụ thực hiện nghiêm minh luật pháp về trả lương lao động, về bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng cơ sở để phục vụ nông thôn, mở mang giáo dục có chất lượng ở nông thôn chứ không chỉ tập trung tiền của phục vụ một vài thành phố. Cần từ chối đầu tư nước ngoài chỉ có tính gia công, tạo ra các chỉ tiêu đánh giá dự án đầu tư nước ngoài trong đó đặt nặng ký hơn cho các chỉ tiêu về sử dụng lao động có tay nghề, về chuyển giao công nghệ, về sử dụng nguyên liệu sản xuất ở trong nước, v.v.
“Hi sinh cái ngon trước mắt vì cái lâu dài”
Nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng hiện nay là cơ hội cải cách. Đúng vậy mà cũng không phải vậy.
Nó không phải là cơ hội, thậm chí nó đòi hỏi phải hy sinh cái ngon ăn trước mắt để chọn cái lâu dài. Nhưng vì đụng tường mà nó làm người ta tỉnh ra, để tự tra vấn và từ đó nhìn và đánh giá các đường hướng phát triển khác nhau để chọn lựa.
Đây tất nhiên không phải là tra vấn triết học, chỉ dựa vào suy luận chay, mà dựa vào nghiên cứu thận trọng nhiều phương án dựa vào thực tế, trao đổi rộng rãi để tìm ra điều cần làm.
Nếu chỉ vài người nghĩ cho mọi người, quyết định cái rụp thì tôi nghĩ là sẽ thất bại.
Qua đó, tôi nghĩ có thể rút ra được bài học sau về quản lý kinh tế.
Thứ nhất, sản xuất cái gì và đứng ra tổ chức sản xuất không phải là việc làm của Chính phủ. Đây là việc làm của doanh nghiệp.
Nên chấm dứt ngay việc tăng thêm số doanh nghiệp nhà nước, bằng cách để tập đoàn nhà nước tạo thêm ra các doanh nghiệp con, ngân hàng con, đầu tư tài chính và địa ốc con (mang tư cách tư nhân hay cổ phần), thực chất là để một số người tạo ra sân sau với rất nhiều lợi thế, để làm lợi cho chính mình, gia đình mình và những người quen biết, đặc biệt tận dụng quyền sử dụng đất.
Thứ hai, việc làm của Chính phủ (cơ quan hành pháp) ngoài trách nhiệm xây dựng hạ tầng cơ sở, thực hiện các dịch vụ công ích mà tư nhân không thể làm, quan trọng hơn cả là thực hiện một cách có hiệu lực và nghiêm chỉnh những luật lệ về kinh doanh và đời sống xã hội để mọi người tin tưởng phép nước.
Thứ ba, việc làm của Quốc hội là soạn luật, tu chỉnh luật nhằm đáp ứng với yêu cầu của xã hội và kiểm soát Chính phủ, đòi hỏi Chính phủ phải đem ra Quốc hội bàn thảo và bỏ phiếu lấy ý kiến về những gì mà Hiến pháp và luật pháp đã qui định là quyền và trách nhiệm của Quốc hội.
Nếu Chính phủ “đòi” làm mọi chuyện thì tất nhiên, “nuốt không trôi” mà lại còn không hoàn thành được trách nhiệm được giao, tức là giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo đảm việc thực hiện luật pháp và các giao kèo giữa doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với nhân dân.
Cũng cần nói thêm, việc trao quyền tự chủ cho địa phương như hiện nay, với mục đích làm cho hiệu lực chính quyền tăng lên, nhưng tôi sợ rằng sẽ ngày càng tạo nên các lãnh chúa địa phương, bởi vì ta quên đi một nguyên lý quan trọng là: có những việc hoàn toàn mang tính cách địa phương, nhưng có những việc mang tính đa địa phương và có những việc mang tầm quốc gia.
Một cái cảng dùng chung một dòng sông qua nhiều địa phương, hay cảng biển chở hàng hóa của nhiều địa phương, có thể gây ra bất lợi cho địa phương khác thì cái cảng đó không thể chỉ là của một địa phương, mà cần phải thông qua một ủy ban công quản đa địa phương. Một con đường cũng thế.
Nếu không có quan điểm đúng đắn về lợi ích đa địa phương thì phát triển sẽ dễ dẫn tới nguy cơ hỗn loạn.
Cải cách bây giờ, theo tôi chính là Chính phủ phải nghiêm chỉnh thực hiện tất cả những gì luật pháp đã viết, bảo vệ công lý cho mọi người dân để củng cố lòng tin của họ.
Có thể nói, phát triển chất lượng chính là mục tiêu của Đổi Mới 2. Mà Đổi mới 2 về cơ bản là thực hiện đúng những điều luật pháp định, đừng giành làm những gì thuộc nhiệm vụ và trách nhiệm của người khác.
* Ts. Vũ Quang Việt (tuanvietnam.net)
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/qtdn/blog/show.dml/3183620
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét