Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Hiểu cho đúng về Marketing



Đất nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước đã làm bộ mặt của đất nước có những đổi thay sâu sắc. Trong nền kinh tế cũ, việc trả lời 3 câu hỏi kinh tế cơ bản: sản xuất cái gì? sản xuất cho ai? và sản xuất bao nhiêu? thông qua các chỉ tiêu kinh tế mang tính pháp lệnh hành chính được phát ra từ TW. Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì 3 câu hỏi kinh tế cơ bản lại do thị trường trả lời. Cho nên trong điều kiện mới các doanh nghiệp muốn thành công thì cần phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường và cố gắng thoả mãn tối đa các nhu cầu đó một cách ưu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là, phải xây dựng chiếc cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường.
Các lý thuyết về Marketing xuất hiện khá muộn, vào những năm đầu của thế kỷ XX, trước hết ở Mỹ. Sau đó lan rộng và dần phổ biến ở hầu khắp các nền kinh tế thị trường. Nhưng không phải ngay từ đầu nó đã phát triển thành 1 lý thuyết hoàn chỉnh, xét cho đến nay người ta đã tổng kết có 5 quan điểm quản trị marketing:
1. Quan điểm tập trung vào sản xuất cho rằng: người tiêu dùng sẽ ưa thích nhiều sản phẩm được bán rộng rãi với giá hạ. Vì vây, những nhà quản trị các doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc tăng quy mô sản xuất và mở rộng phạm vi tiêu thụ.
--> Theo quan điểm này thì điều mấu chốt dẫn tới sự thành công của doanh nghiệp là số lượng sản phẩm sản xuất ra nhiều và mức giá bán thấp.
2. Quan điểm tập trung vào hoàn thiện sản phẩm cho rằng: người tiêu dùng luôn ưa thích những sản phẩm có chất lượng cao nhất, nhiều công dụng và tính năng mới. Vì vậy, các nhà quản trị các doanh nghiệp muốn thành công phải luôn tập trung mọi nguồn lực vào việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng hoàn hảo nhất và thường xuyên cải tiến chúng.
3. Quan điểm tập trung vào bán hàng cho rằng: người tiêu dùng thường bảo thủ, có sức ỳ với thái độ ngần ngại, chần chừ trong việc mua sắm hàng hoá. Vì vây, để thành công doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn lực và sự cố gắng vào việc thúc đẩy tiêu thụ và khuyến mãi.
4. Quan điểm marketing cho rằng: chìa khoá để đạt được những mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là doanh nghiệp doanh nghiệp phải xác định đúng những nhu cầu, mong muốn của thị trường (khách hàng) mục tiêu, từ đó tìm mọi cách đảm bảo sự thoả mãn nhu cầu và mong muốn đó bẵng những phương thức có ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh.
5. Quan điểm marketing hướng đến sự kết hợp ba lợi ích: người tiêu dùng, nhà kinh doanh và xã hôi (quan điểm đạo đức-xã hội) mới xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX. Quan điểm này khẳng định rằng: nhiệm vụ của doanh nghiệp là xác định đúng đắn những nhu cầu, mong muốn và lợi ích của thị trường mục tiêu trên cơ sở đảm bảo thoả mãn nhu cầu và mong muốn đó một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh, đồng thời bảo toàn hoặc củng cố mức sống sung túc của người tiêu dùng và xã hội.
Marketing là một quan điểm kinh doanh được thâm nhập vào Việt Nam chỉ những năm gần đây, và đã có những doanh nghiệp áp dụng thành công (bộ phận marketing trong các doanh nghiệp này thực sữ đã trở thành chiếc cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường). Tuy nhiên một thực tế là hiện các doanh nghiệp và công chúng vẫn còn chưa có những hiểu biết đầy đủ về marketing, chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của marketing. Đại bộ phận người vẫn còn chưa biết gì về marketing hoặc nhầm lẫn với quan điểm tập trung vào bán hàng, họ cho rằng marketing chỉ đơn thuần là quảng cáo, tiếp thị.
Tóm lại, ta có thể định nghĩa như sau: Marketing là quá trình làm việc với thị trường để thục hiện các cuộc trao đổi nhằm thoả mãn nhu cầu của con người.
Còn quá trình marketing là quá trình sáng tạo và cung ứng giá trị cho người tiêu dùng được thực hiện thông qua 3 bước:
- Lựa chọn giá trị: Đây là bước nghiên cứu, phân tích nhu cầu, mong muốn của thị trường--> Phân đoạn thị trường--> Lựa chọn thị trường mục tiêu--> Định vị thị trường.
- Đảm bảo giá trị: Căn cứ vào những thông tin thu thập được trong công đoạn trước, các doanh nghiệp phải dồn mọi nguồn lực vào việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhất những nhu cầu, mong muốn đó của khách hàng. Đó là các quyết định về sản phẩm, giá cả, kênh phân phối.
- Thông báo và cung ứng giá trị: Sau khi đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp cần phải thông qua hoạt động quảng cáo, khuyến mại,... và thực hiện bán hàng cho người tiêu dùng qua kênh phân phối của mình.

Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/hoanghieuneu46/blog/show.dml/1525110

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến