"Gỡ bỏ" những ràng buộc ở đường "quan chức", TS Nguyễn Quang A về nhiệm sở của Ngân hàng Ngoài quốc danh VP Bank, đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Hội đồng quản trị… ông được dư luận coi như một trong những nhân vật đã có công vực dậy Ngân hàng lúc khốn khó, giúp VP Bank tạo dựng thành công thương hiệu như ngày hôm nay.
Còn với số đông những người không thuộc giới doanh nhân và tin học, cái tên Nguyễn Quang A lưu dấu trong trí nhớ bằng rất nhiều những bài tham luận, những cuốn sách dịch ấn tượng về chính trị, kinh tế, xã hội… Thế nên, một cuộc trò chuyện ngay bên thềm năm mới giữa TCSK và TS Nguyễn Quang A không hẳn là ngoại lệ cá biệt...
Đem ngáo ộp ra doạ
Theo ông, trong cuộc sống, có cái gọi là vấn đề nhạy cảm không nhỉ? Bởi thực tế nhiều khi, các nghệ sỹ ôm ấp một ý tưởng nào đó mơi mới một chút, hơi bất đồng với đại chúng một chút là lập tức nhận phản hồi: Vấn đề này còn nhạy cảm lắm...?
Đấy chỉ là một con ngáo ộp mà các ông ấy viện ra để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nói chung, hãy thông cảm. Tôi mà ngồi chỗ đó, tôi cũng không làm khác được… Lỗi không phải tại một cá nhân cụ thể, mà chính do cái cơ chế, cái vị trí đã áp đặt mọi người, khiến chúng ta không thể hành xử khác đi được…
Nhiều khi, từng cá nhân thì rất giỏi, rất hay, rất rất thú vị… Nhưng sao cũng những con người ấy, đứng trong một tập thể, lại không nhân lên được sức mạnh? Thể thao chẳng hạn, chúng ta giành thắng lợi giòn giã ở những môn cá nhân, kể cả khó vô bờ như bơi lội, chạy cự ly ngắn... Nhưng bóng đá thì đừng mơ, bởi trước hết, nó là... môn tập thể…?Sao lạ thế?
Có gì mà lạ. Chúng ta quen ở trong một cái guồng như thế. Nhiều người Việt mình, ra nước ngoài, bảo là quá giỏi cũng không hẳn đúng, nhưng họ vẫn phát huy được sở trường cá nhân… Một hạt giống tốt đến mấy, bị quẳng vào mảnh đất khô cằn, cũng khó đơm hoa kết trái.
Hay là do cá tính người Việt mình thích chọi nhau, chọi dế chọi gà chọi trâu?
Tôi không tin thế. Tất nhiên, 80 triệu người là 80 triệu ý kiến khác nhau. Đến hai vợ chồng còn có những bất đồng, trái ngược quan điểm, xích mích thường xuyên. Cái hay nhất của cuộc sống là mỗi người riêng biệt một cá thể, độc lập những suy nghĩ. Chỉ có điều chúng ta nên tập bày tỏ thái độ tôn trọng ý kiến người khác, để họ sẽ tôn trọng ý kiến của mình mà chưa cần luận đến chuyện đúng sai. Đúng sai thường không phơi ra ngay, chỉ lộ diện sau những cuộc tranh luận dài, có lúc kéo qua nhiều năm tháng, nhiều đời người. Với lại, bao giờ cũng thế, ta chỉ có thể tiến được đến gần gần sự thật thôi.
Quan trọng là tạo môi trường để nếp suy nghĩ mới phát triển. Yên tâm đi, nếp suy nghĩ mới không hoàn toàn phủ nhận nếp suy nghĩ cũ. Dân làm khoa học chúng tôi có cái hay là nó dạy cho con người ta tính đa nghi. Tính đa nghi trong đời sống thường được hiểu theo nghĩa xấu, nhưng trong khoa học phải sẵn bản lĩnh đểỷ ngờ vực tất cả. Từ lời của CacMac đến lý thuyết của Einstein… Không có năng lực, thiếu gan phản biện vấn đề, xã hội không thể phát triển lành mạnh được....
Điều đấy đúng trong cả nghệ thuật?
Này nhé, ông Trọng Khôi, ông Trần Tiến nhà các bạn đấy, quá tài năng rồi. Nói riêng thôi, thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi nhậu với mấy ông ấy, nghe chuyện họ, phục lắm... Nhưng nếu bây giờ nghệ sỹ nào cũng diễn bắt chước kiểu ông Trọng Khôi ông Trần Tiến thì còn gì là sáng tạo nữa, cần gì công chúng phải xem nữa, đúng không…?
Nghệ thuật giúp tạo thiện cảm với khách nước ngoài...
Ở mình, nói đến văn hóa nghệ thuật, thường người ta hay nghĩ rằng chỉ có rót kinh phí vào chứ chưa mường tượng ra cảnh kiếm thật nhiều tiền từ đó? Có phải thế không, thưa ông?
Hà Nội đang có một không gian và nguồn vốn vô tận để phát triển văn hóa. Kèm theo đó là du lịch. Đấy là hệ thống các nhà hát, các ngành nghệ thuật... Người phương xa đến HN, ngoài thăm thú nơi này nơi kia, còn phải rẽ qua viện bảo tàng, vào các nhà hát. Họ đi ăn, đi chơi, rồi đi xem tuồng, chèo, xem rối nước, xem kịch, nghe nhạc giao hưởng... Và chính điều đó mới tạo nên thiện cảm, để lại dấu ấn cho du khách. Muốn làm kinh tế từ văn hóa, trước hết hãy đầu tư cho hạ tầng, sửa sang các nhà hát cho thật to đẹp, hoành tráng. Chứ HN mà lại định hướng chủ đạo cho phát triển là dệt may, hoặc gì gì nữa thì phí quá...?
1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của Hàn Quốc năm vừa qua chính là: Lần đầu tiên, họ đã đoạt doanh thu xuất khẩu văn hóa trên 1 tỷ USD. Họ giới thiệu ra thế giới từ phim truyền hình, băng đĩa nhạc, công nghệ thời trang, và cả lối sống… Bây giờ khắp châu á xem phim truyền hình Hàn Quốc. Kèm theo đó là một hình ảnh hoàn toàn mới, đầy năng động, đầy hấp dẫn về đất nước này... Nghe mà phát thèm?
Nhiều nơi người ta làm được thế. Tôi đến Hungary, thấy khách du lịch lũ lượt xếp hàng mua vé dự hòa nhạc. Ta cũng có thể khiến người nước ngoài đổ xô đến các rạp hát. Giá vé 50õ, 100 USD một buổi. Lúc đó, nghệ sỹ tha hồ tung tẩy, tự do thoải mái làm nghệ thuật theo sáng tạo riêng mình... Nếu tuồng, chèo hay và hấp dẫn, rối nước thực sự là đặc sản, thì phải làm sao để biến nó đó là lý do dụ dỗ khách Tây tìm đến Việt Nam chứ. Chẳng qua, các nghệ sỹ nhà ta quen ăn theo nhà nước, được bao cấp quá dầy, nên không chịu cục cựa....
Khó lắm?
Cái khó sẽ ló cái khôn. Đừng sợ, đừng dựa dẫm vào bầu sữa bao cấp, nghệ thuật sẽ tự biết nuôi sống mình một cách sang trọng. Tất nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, đầu tiên nhà nước đứang ra hỗ trợ cho giới nghệ thuật bằng cách đơn giản nhất là cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà hát cho xứng tầm...
Người tài thật đừng ngồi một chỗ ta thán
Nói chung, có vô vàn lý do đưa ra để biện minh cho chuyện chưa làm được ra tiền từ nghệ thuật?
Tôi rất ghét những người hay ca thán… Nghệ sỹ cũng là một phần của giới trí thức. Mà cái giới trí thức VN mình xưa đến nay vốn dĩ bạc nhược vô cùng. Cùn mòn, thụ động, chỉ dám ba hoa mạnh mồm lúc trà dư tửu hậu, khi cần phát biểu chính kiến lại im re. Nhiều năm ròng cứ xòe tay nhận đồng tiền bao cấp của nhà nước, rồi thi nhau đòi hỏi: Tôi là giáo sư, tôi là tiến sỹ, phải cấp xe cho tôi, cho tôi phòng làm việc này, chỗ ngồi nọ. Dù nhà nước có chủ trương đào tạo, trọng dụng nhân tài, nhưng anh mà tài thực, anh phải tự sử dụng mình đi đã
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. ông nói được thế, vì ông thuộc giới trí thức nhưng lại còn kiêm doanh nhân?
Người tài có trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho những người khác nữa, chứ ai lại ngồi trách móc: Nhà nước không dùng tôi, không trọng dụng tôi. Anh này là nghệ sỹ có duyên biểu diễn, anh kia là người có khả năng quản lý, vậy các anh nên động não nghĩ cách làm cho người khác quan tâm săn đón mình chứ sao cứ thuận mồm đổ tại khách quan...
Như ông nói, tương lai lại có vẻ khả quan?
Đã nói rồi, nếu anh thực tài, anh không thể nghèo, không thể thất nghiệp... Nhất là sân khấu, đã có vốn liếng truyền thống vô giá mà các cụ mình để lại từ xa xưa. Lãi lờ là ở đấy, tiền bạc là ở đấy. Ăn thua là chúng ta sử dụng nguồn vốn ấy thế nào thôi, đúng không nào...?
Vâng, tất nhiên rồi. Nghe thì dễ quá, nhưng...
Nguồn: Sân khấu Việt Nam
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/qtdn/blog/show.dml/3120732
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét