Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

*Khủng hoảng, châu Á và Việt Nam<br><br>******Nguyễn Vạn Phú<br><br>***Hội

Khủng hoảng, châu Á và Việt Nam

Nguyễn Vạn Phú

Hội nghị “Nhận dạng những thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam” do báo Wall Street Journal phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức vào giữa tuần này tại TPHCM là một dịp để chúng ta lùi lại một chút, tách khỏi những vụ việc hàng ngày để nhìn vào những vấn đề tương đối dài hạn về vị thế của châu Á trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam khó lòng tự mình giải quyết những vấn đề kinh tế nếu không đặt mình vào một góc nhìn như thế.

Ốc đảo hay quân cờ đô-mi-nô?

Mỗi khi nhắc đến châu Á trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trước đây người ta thường nhắc đến khái niệm “decoupling” với nghĩa nền kinh tế châu Á, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, đã có thể phát triển độc lập, bất kể khủng hoảng tài chính ở Mỹ hay châu Âu, bất kể sự sút giảm nhu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường này. Số liệu thống kê những năm tiền khủng hoảng cho thấy thương mại nội vùng gia tăng mạnh, làm cho nhiều người tin tưởng vào chuyện “đường ai nấy phát triển” này. Lúc đó, xuất khẩu của các nền kinh tế như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á sang Mỹ giảm tương đương với mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trung Quốc thế chỗ Nhật Bản là nơi nhập hàng lớn nhất từ các nước châu Á. Từng có thời điểm người ta phân tích Trung Quốc, hay đúng hơn là nhu cầu khổng lồ về nguyên vật liệu của nước này đã nâng đỡ nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc như thế nào.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng lan rộng, các nhà quan sát lại quay sang phân tích những sai lầm của lý thuyết “decoupling” này. Rõ ràng châu Á là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế toàn cầu, tác động của khủng hoảng xuất hiện trước tiên ở lãnh vực tài chính, sau đó qua ngoại thương và lan đến sản xuất nội địa. Ngay cả việc Trung Quốc nhập hàng hay nguyên liệu của các nước châu Á cũng chỉ để lắp ráp hay sản xuất hàng xuất khẩu qua Mỹ hay châu Âu. Đến 70% thương mại nội vùng là bao gồm các loại linh kiện mà một nửa được dùng để lắp ráp hàng xuất khẩu ra khỏi châu Á. Dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào châu Á, suy cho cùng, cũng nhắm vào các hoạt động sản xuất phục vụ cho người tiêu dùng phương Tây. Một khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, châu Âu sụt giảm, bộ máy sản xuất hàng hóa như một công xưởng cho toàn thế giới ở châu Á chuyển động chậm dần với nhiều trục trặc như bị ngộp xăng.

Hiện nay, số liệu thống kê quý 1-2009 lại làm sống lại sự kỳ vọng vào chuyện “phương Tây có hắt hơi, châu Á không hề phải sổ mũi theo”. Chứng khoán ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng 25-30% từ mức thấp nhất, GDP của hai nước này dự báo sẽ tăng trên 5% trong năm 2009 mặc do tốc độ tăng trưởng của các nước OECD vẫn ở mức âm. Người ta quay sang nhận định: cho dù kinh tế châu Á không thể tách biệt khỏi ảnh hưởng của sự hưng vong của kinh tế toàn cầu, việc xây dựng mức cầu nội địa cùng với sức mua ngày càng tăng của người dân châu Á sẽ là xu hướng chống đỡ cho kinh tế châu Á thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Theo nhiều nhận định được đưa ra gần đây, các nước thuộc khối OECD vẫn sẽ phải chịu mức tăng trưởng GDP không quá 1% trong vòng năm năm tới. Trong cùng thời gian đó, nếu Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng 6-7% thì tỷ trọng GDP của châu Á (tính theo sức mua) trong GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 45% hiện nay lên 60% vào năm 2015. Lúc đó, bất kể kinh tế các nước phương Tây có rơi vào khủng hoảng hay không, kinh tế châu Á vẫn sẽ có động lực riêng để phát triển. Vì thế, người ta cho rằng ưu tiên số một của các nước châu Á hiện nay là phát triển bền vững những thị trường nội địa chứ không phải là chăm chăm lo làm hàng xuất khẩu.

Những lựa chọn cho Việt Nam

Riêng với Việt Nam, sự chọn lựa có phần hạn chế hơn nhiều. Độ mở của nền kinh tế cao hơn so với các nước láng giềng. Xuất khẩu của Việt Nam tương đương 76,8% GDP (năm 2007) so với mức 36% của Trung Quốc, 45,6% của Hàn Quốc, 29,4% của Indonesia hay 42,6% của Philippines. Các nỗ lực sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu không đem lại kết quả như mong muốn, trừ các loại hàng tiêu dùng thông thường (nhập khẩu tương đương đến 90% GDP trong năm 2007). Và chính sách hướng về xuất khẩu, mặc dù là động lực phát triển cho Việt Nam trong nhiều năm qua, lại đặt nền kinh tế vào vị thế chịu nhiều tác động từ bên ngoài, từ khủng hoảng giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, nông sản đến sự sụp đổ nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu chính yếu. Trong khi đó thị trường trong nước lại để ngỏ cho hàng giá rẻ, chất lượng thấp tràn vào. Việt Nam cũng dựa nhiều vào đầu tư để làm động lực tăng trưởng – một yếu tố nữa nói lên sự phụ thuộc vào bên ngoài của nền kinh tế.

Vì thế hiện nay chọn lựa của Việt Nam là duy trì mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu trong khi điều chỉnh dần việc hướng về thị trường nội địa về lâu về dài hay bị đẩy theo hướng phụ thuộc vào Trung Quốc trong một mối quan hệ ngoại thương và đầu tư phục vụ cho công xưởng sản xuất khổng lồ này.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bị kéo vào mối quan hệ này. Kim ngạch ngoại thương với Trung Quốc tăng rất mạnh trong những năm gần đây và nhập siêu từ Trung Quốc chiếm gần tới hai phần ba tổng nhập siêu của Việt Nam. Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc những hàng hóa mà Trung Quốc sẽ làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất hàng để xuất bán trên toàn thế giới. Không dừng ở đó, Việt Nam lại tiếp nhận những ngành gia công có giá trị gia tăng thấp hay gây ô nhiễm môi trường nhiều từ Trung Quốc đổ sang. Tranh cãi chung quanh việc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên cũng nằm trong xu hướng đó khi Việt Nam chỉ đóng vai trò cung cấp nguyên vật liệu cho Trung Quốc và ngày càng phụ thuộc vào khách hàng khổng lồ này. Trong một bài phân tích gần đây, GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản cho rằng: “Cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc là cơ cấu có tính chất bắc nam, một cơ cấu mậu dịch giữa nước chậm tiến và nước tiên tiến”. Quan hệ thương mại bắc nam này có nghĩa các nước phía bắc xuất khẩu hàng công nghiệp còn các nước phía nam xuất khẩu nguyên liệu, các hàng nông, lâm, thủy sản ở dạng thô hoặc sơ chế. “Năm 2007, riêng dầu thô, than đá đã chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nếu kể thêm cao su, gỗ, rau quả, trà, cà phê và những sản phẩm thô sơ khác, tỉ lệ đó lên tới 80%. Hàng công nghiệp chỉ chiếm độ 20%” – GS Thọ cho biết.

Ngược lại, trong suốt những năm trước khủng hoảng, nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn đến Việt Nam trong chiến lược Trung Quốc + 1. Họ muốn tìm một nơi có những yếu tố thuận lợi như Trung Quốc để đầu tư nhằm phòng tránh rủi ro khi đặt cược hết vào nước này. Kỷ lục vốn đầu tư FDI đăng ký trong hai năm 2007 và 2008 minh họa rất rõ cho xu hướng đó. Dĩ nhiên, trong cao điểm của khủng hoảng, dòng vốn này sẽ bị giảm mạnh cùng với sự giảm sút trong xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng một khi đã nói đến tầm nhìn dài hạn, không thể vì khó khăn trước mắt để phải chìu theo xu hướng phụ thuộc vào mối quan hệ theo “cơ cấu bắc nam” nói ở trên. Đó có thể là lời giải dễ dàng nhưng không bền vững.

Điều đáng tiếc là hầu như không có sự nghiên cứu mang tính tổng thể nào về bức tranh phát triển dài hạn như thế mà chỉ là những mối quan tâm ngắn hạn, mang tính tình thế. Khủng hoảng kinh tế sớm muộn gì cũng trôi qua, vấn đề là ở chỗ xác định con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai, để không chỉ phòng tránh những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau này mà còn tránh được sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường riêng lẻ nào.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/04/khung-hoang-chau-va-viet-nam-nguyen-van.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến