Vậy đâu là bản chất thực của cuộc khủng hoảng lần này? Có hay không sự thay đổi triết học kinh tế của WTO? Bài học với Việt Nam là gì? Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về những vấn đề trên!
Cơn sóng thần tín dụng
Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới với 158 năm tồn tại, trên 26.000 nhân viên, tổng tài sản trên 700 tỷ USD, tuyên bố phá sản. Sự kiện này nói lên điều gì? Đây có phải là cái chết ngẫu nhiên theo quy luật sinh học: “sinh- bệnh- lão- tử”?
Xin thưa, hoàn toàn không. Trước đó, báo cáo tài chính năm cho thấy, năm 2007, ngân hàng này có doanh thu là 59 tỉ đô la với 4,2 tỉ lãi ròng, một con số đẹp mà các doanh nghiệp phải mơ ước. Sự phá sản của Lehman Brothers chỉ là một trong những sự kiện diễn ra liên tiếp trước và sau tháng 9/2008 đánh dấu sự leo thang của một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái kinh tế vào những năm 1930 của thế kỷ trước.
Không lâu sau đó việc Merrill Lynch bị bán lại cho Bank of America, Phố Wall phải đương đầu với "cơn sóng thần" thất nghiệp với ít nhất 100.000 việc làm bị dẹp bỏ. Hàng triệu người dân sẽ không có nhà ở do bị các Ngân hàng tịch thu…Chính quyền liên bang bị giảm sút uy tín chưa từng có.
Sự sụp đổ của Lehman Brothers là khởi đầu cho hiệu ứng domino tạo nguy cơ nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu… từ châu Âu sang châu Á và châu Úc. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu diễn ra, dường như nó chỉ là một đốm lửa trên đỉnh núi. Nhưng trong thế giới kết nối mà chúng ta đang sống, đốm lửa nhỏ ấy đã mở đầu cho một đám cháy lớn. Cơn chấn động trên Phố Wall đã tác động đến tất cả những ai có liên quan đến tài chính. Không những thế nhiều người dân cũng phải gánh chịu hậu quả gián tiếp do giá cả nhảy múa.
Cơn sóng thần tín dụng âm ỉ hình thành rồi bục phát ở phố Wall, không lâu sau đó nó phủ bóng đen tang tóc ra toàn nước Mỹ, rồi nhanh chóng lan tỏa sang châu Âu cổ kính, sang Nhật Bản hùng mạnh, tới tận Trung Đông giàu tài nguyên. Có thể nói không có một đường phố, không có một nhà máy xí nghiệp, không có một làng bản xóm thôn, không có một quán ăn nào mà không chịu tác động khủng khiếp của cơn bão. Khác với bão tố và lốc xoáy ngoài biển khơi, khi nó đi qua trời lại sáng, bão tài chính thì để lại bầu trời âm u ảm đạm nhiều năm tháng sau này…
Đòn bẩy tài chính cao giết chết các ngân hàng đầu tư
Khi thị trường bất động sản hưng phấn, chứng khoán bất động sản là một loại tài sản đem lại lợi nhuận rất lớn cho các thành viên phố Wall. Lý do đơn giản, lãi suất từ loại chứng khoán này thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất đi vay trên thị trường tiền tệ.
Hấp lực của lợi nhuận đã thôi thúc các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng (NH), chủ yếu là NH đầu tư, NH bất động sản chạy đua vay trên thị trường tiền tệ để mua chứng khoán BĐS và hưởng chênh lệch lãi suất. Để vay được, các tổ chức này phải thế chấp bằng các tài sản, thường chính lại là chứng khoán bất động sản.
Vay tiền, mua chứng khoán BĐS, thế chấp bằng chứng khoán BĐS, vay tiền… là vòng quay của những yếu tố ảo tạo ra lợi nhuận thực mà những “con bạc” ở phố Wall tạo nên trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống Bush do sự nới lỏng kiểm soát bằng đạo luật Glamm-Leach-Bliley, theo đó, các ngân hàng thương mại được tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm như nghiệp vụ chứng khoán hóa và bán các khoản vay bất động sản.
Do không bị kiểm soát số lượng tiền được phép đi vay, khi thị trường bất động sản ổn định, các tổ chức tài chính liên tục quay vòng quá trình trên để tạo ra một khoản lợi nhuận khổng lồ. Đồng thời, quá trình “nâng đòn bẩy” này làm tỷ lệ đòn bẩy tài chính tăng cao. Tuy nhiên khi thị trường BĐS có vấn đề CK BĐS bị giảm giá, nhà đầu tư bắt đầu lo lắng cho số tiền cho vay của mình vì tài sản đặt cọc bị giảm giá. Họ thường yêu cầu công ty tài chính trả lại tiền hoặc tăng tài sản thế chấp (margin calls).
Do thị trường tiền tệ bị khép chặt, công ty tài chính buộc phải bán CK BĐS với giá thấp để trả lại tiền cho các nhà đầu tư, gây ra một khoản lỗ lớn. Với một tỉ lệ đòn bẩy cao trung bình 30%, giá trị tài sản chỉ cần giảm 3,3% thì toàn bộ vốn của ngân hàng này đã bị bốc hơi! dẫn đến mất khả năng thanh toán, phá sản.
Sở dĩ Morgan Stanley và Goldman Sachs và các ngân hàng đa năng khác (Universal bank) như Citibank và JPMorgan Chase vượt qua được khủng hoảng cho đến hôm nay là do nguồn vốn để mua CK BĐS một phần được tài trợ bằng tiền gửi tiết kiệm (Morgan Stanley và Goldman Sachs đều có công ty con là ngân hàng thương mại).
Đây cũng chính là một trong những lý do Chính phủ Mỹ cho phép chuyển đổi Morgan Stanley và Goldman Sachs thành ngân hàng đa năng. Các ngân hàng đầu tư rất yêu thích việc nắm giữ thật nhiều tài sản, đặc biệt là CK BĐS – Nguồn thu nhập chính đem lại thưởng lớn cuối năm!
Sự lộng hành của những yếu tố ảo trong nền kinh tế tri thức
Như vậy, đòn bẩy tài chính được coi là nhân tố đem lại vinh quang cho các ngân hàng đầu tư, cũng chính là nhân tố kích hoạt nền kinh tế Mỹ trong những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống Bush. Khi đòn bẩy này bị lạm dụng, bị vượt khỏi tầm kiểm soát, cũng chính là nhân tố cướp đi tính mạng của các ngân hàng này.
Có nhiều nguyên nhân cho cuộc khủng hoảng, tuy nhiên nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng là đòn bẩy tài chính, là lỗi của Chính phủ Mỹ trong việc xóa bỏ quy định về hạn chế đòn bẩy tài chính năm 2004, cho phép các tổ chức tài chính phi ngân hàng hoạt động với tỷ lệ vay quá lớn.
Sự ra đi của Bear Stearns, Freddie Mac và Fannie Mae, Lehman Brothers và Merrill Lynch, trong khi sự sụp đổ của các định chế tài chính này là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin của thị trường; dẫn đến sự hạ thấp tín nhiệm và sự ra đi của AIG; Tiếp đến là làn sóng rút tiền cả trên phố và trên mạng, gây ra khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng liên quan đến cho vay bất động sản như Wamu và Wachovia. Đây là một dây chuyền domino chạy khắp các Châu lục, không có hồi kết nếu như không có sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ toàn cầu.
Có thể nói, sự khác biệt và góp phần tạo nên sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là do các phát kiến tài chính. Cụ thể là các công cụ tài chính phái sinh dựa trên tài sản thế chấp. Các công cụ này chưa từng được phép sử dụng ở các nước Đông Á hơn một thập niên trước.
Cùng với sự thông thoáng của Chính phủ, các tổ chức cho vay còn “sáng chế” ra những hợp đồng cho vay mua bất động sản bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Lý do đơn giản, ràng buộc về khoản thế chấp rất thấp (dưới chuẩn) nên không thể thu hồi đủ vốn lẫn lãi.
Yếu tố ảo chưa dừng lại đó là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế. Theo thống đốc David Paterson của bang New York, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là do thiếu minh bạch: “Không ai thực sự hiểu rõ điều gì đang xảy ra…Những sáng kiến tài chính đã phản lại chúng ta. Điều tôi muốn khuyến khích bây giờ là càng chia sẻ thông tin với công chúng càng nhiều càng tốt để chúng ta có thể biết rõ quy mô của cuộc khủng hoảng này”.
Những yếu tố đó đã được tích tụ từ nhiều năm nay. Đó không chỉ là cuộc khủng hoảng của tín dụng bất động sản, là sự đóng gói chuyên nghiệp, bao bì đẹp với hàng trăm, hàng ngàn dự án đầy yếu tố rủi ro dưới dạng trái phiếu để hút về những nguồn tiền nhàn rỗi từ các nước đang phát triển. Cũng như những quả bóng được bơm căng quá cỡ, những dự án rủi ro được che đậy bởi bao bì đẹp đã đến thời điểm phải vỡ bục ra như những trò chơi xa xỉ.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu như một làn sóng bạc đầu ầm ầm chuyển động. Việt Nam là một tế bào của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể be bờ, không thể xây vạn lý trường thành để ngăn lũ. Chúng ta cùng chung số phận với các quốc gia khác. Vậy trong cơn sóng thần tín dụng đó, kinh tế Việt Nam thế nào ? Chúng ta phải làm gì ? Đâu là bài học vào lúc này ?
Chúng ta sẽ bàn về những vấn đề này ở kỳ sau : ‘‘Thị trường bất động sản VN- quả bom chưa được tháo ngòi’’
* Phan Thế Hải
Theo: tuanvietnam.net
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/qtdn/blog/show.dml/3133034
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét