Vân Cầm
Dưới nhiều áp lực, Mỹ vừa mới thay đổi một số quy tắc kế toán, mặc dù trực tiếp chưa có nhiều tác động nhưng gián tiếp đã làm giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng mạnh và về lâu về dài có những hiệu ứng chưa lường hết được.
Lâu nay theo nguyên tắc kế toán, một ngân hàng chẳng hạn, có mua cổ phiếu của công ty A thì buộc phải điều chỉnh giá cổ phiếu công ty A này theo giá thị trường (gọi là mark to market). Ví dụ khi mua, giá cổ phiếu công ty A là 100 đồng nay giá trên thị trường giảm còn 10 đồng thì ngân hàng này phải tính toán trong sổ sách dựa trên giá 10 đồng chứ không phải 100 đồng nguyên thủy. Cái này cũng tương tự như yêu cầu “trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán” ở nước ta.
Nay Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Tài chính Mỹ (FASB) vừa đồng ý cho phép giới quản lý tài chính doanh nghiệp được định giá tài sản không dựa vào giá trị thị trường nữa mà dựa vào mô hình định giá do doanh nghiệp tự đưa ra, nhất là đối với trường hợp chứng khoán bị bán ra với giá quá thấp do bên bán bị phá sản.
Thật ra, tranh luận chung quanh yêu cầu “định giá theo thị trường” đã nổi lên từ trước vì doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh kinh tế ổn định, nguyên tắc này không gây ra nhiều phiền toái nhưng một khi có khủng hoảng, thị trường chưa chắc đã là nơi định giá chính xác nhất. Rất nhiều loại chứng khoán đóng băng, không được giao dịch thì lấy đâu ra giá trị trường để điều chỉnh. Giá nhiều loại chứng khoán khác, sụt giảm vì một biến động nào đó, có thể sụt dưới mức giá trị sổ sách, hoàn toàn không phản ánh đúng giá trị thật, thậm chí giá trị thanh lý của doanh nghiệp. Giới doanh nghiệp lại dùng các nhóm vận động hành lang tác động mạnh lên các nhà lập pháp, buộc FASB phải thay đổi luật lệ kế toán. Ví dụ trong một buổi điều trần vào tháng trước, Nghị sĩ Michael Capuano nói thẳng với chủ tịch FASB: “Đừng bắt chúng tôi phải bảo cho ông biết nên làm gì”.
Một khi quy tắc kế toán được nới lỏng như thế, giới tài chính có thể thở phào nhẹ nhõm vì không còn phải lo chuyện tài sản bốc hơi từng ngày một khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Trước đây, họ phải chật vật tìm vốn để bù vào các khoản “trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán” nếu không dễ rơi vào tình trạng phá sản như chơi. Ngược lại, giới đầu tư lại lo lắng tính minh bạch của thị trường sẽ biến mất, người ta không thể nào đánh giá được tài sản của các công ty tài chính hay ngân hàng; giới ngân hàng cũng không chịu áp lực làm sạch sổ sách, tức không cần phải bán ngay những loại tài sản xấu. Trong trường hợp xấu nhất, lòng tin vào thị trường tài chính, vừa mới phục hồi đôi chút, sẽ bị triệt tiêu.
Hệ lụy trước mắt, theo nhiều nhà phân tích, là các ngân hàng sẽ không còn mặn mà chuyện bán ra tài sản xấu vì một khi bán xong, họ phải ghi sổ sách theo giá bán. Còn chừng nào chưa bán, họ vẫn có thể linh động áp dụng quy tắc mới để làm đẹp sổ sách, chờ ngày giá chứng khoán phục hồi.
Trước mắt, quy định của FASB đi kèm với nhiều ràng buộc về tiết lộ thông tin nên giới ngân hàng chưa làm gì nhiều theo hướng định giá lại chứng khoán có lợi cho họ. Thế nhưng các nước châu Âu đã rục rịch đòi Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IASB) phải làm theo bởi không thay đổi tiêu chuẩn kế toán theo Mỹ, doanh nghiệp châu Âu sẽ bị thiệt hại thấy rõ. Có thể thấy, để giải cứu nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay, các nước đang có những bước đi mang tính ngắn hạn – cho dù sẽ giúp thoát khủng hoảng nhanh hơn nhưng lại đẩy nền kinh tế tài chính vào những đợt khủng hoảng mới. Và chuyện tách biệt chuyên môn (vai trò của FASB hay IASB) ra khỏi tác động của chính trị là một câu chuyện giằng co còn kéo dài.
Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/04/thay-doi-luat-choi-ke-toan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét